Vai trò trong Quốc dân đảng Đới Lạp

Là chỉ huy lực lượng đặc vụ trong Quân đội Quốc dân đảng Trung Hoa, Đới góp tay phát triển tổ chức tình báo hiện đại đầu tiên của Trung Hoa năm 1928, với tên "Phòng điều tra mật vụ" trực thuộc Tổng hành dinh Quân đội Bắc phạt với mục tiêu giành giành được một thắng lợi sớm trong chiến tranh để ổn định tình hình Trung Hoa và giảm thiểu thương vong thông qua những tin tức tình báo quân sự và chính trị. Trước khi Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ 2 kết thúc, bộ phận này đã phát triển thành Cục Điều tra Thống kê trực thuộc Ủy ban Quân sự Trung ương Quốc dân đảng, tiền thân của Cục Quân báo dưới quyền Tổng tham mưu trưởng, Bộ Quốc phòng Trung Hoa Dân Quốc tại Đài Loan.

Danh xưng có vẻ bình thường, nhưng Cục Điều tra Thống kê lại ẩn giấu bản chất thực của nó là hoạt động mật vụ, biến Đới trở thành một trong những nhân vật gây tranh cãi, thậm chí gây sợ hãi, nhất Trung Hoa. Cũng do đó mà ông có biệt danh "Himmler của Trung Hoa".

Đới cũng đứng đầu Lam Y xã (Hội Áo xanh), một tổ chức phát xít phụ trách an ninh và tình báo cho Tưởng.

Trong những năm 1930 và 1940, những điệp viên Cục Quân thống đã thâm nhập rất thành công vào các tổ chức Cộng sản Trung Hoa cũng như những tổ chức bù nhìn thân Nhật.

Đới hợp tác với Hoa Kỳ trong Chiến tranh thế giới thứ hai và học thêm nhiều về chiến lược tình báo, lực lượng phản gián của ông lên tới 7 vạn người. Để đáp lại, ông cung cấp bản đồ các vùng duyên hải Nam Trung Hoa, thông tin tình báo về các hoạt động của quân Nhật và nơi trú ẩn cho các máy bay Đồng minh bị rơi.

Sau khi ký kết Hiệp ước SACO năm 1942, Đới được bổ nhiệm chỉ huy các hoạt động tình báo liên kết Trung-Nhật.

Dù tỏ ra né tránh những thú tiêu khiển công cộng và giữ một hình tượng bí ẩn với công chúng, Đới lại thường tổ chức những buổi tiệc tùng hết sức phóng túng.

Đới tử nạn trong một tai nạn máy bay ngày 17 tháng 3 năm 1946. Vụ tai nạn được cho là vẫn còn nhiều bí ẩn bởi những lời đồn đoán là có thể được sắp đặt bởi tay trùm tình báo và an ninh của Đảng Cộng sản Trung Quốc Khang Sinh, dù cũng có tin đồn vụ này được Cơ quan Tình báo chiến lược Hoa Kỳ (OSS) sắp đặt vì chiếc máy bay bị rơi là máy bay Mỹ.